Kỳ 1: Đường tới RINJANI100 – Nguyễn Sĩ Hiếu

 

Năm 2018, lần đầu tiên xem video về giải Rinjani100, tôi đã vô cùng choáng ngợp và kích thích. Tôi đặt quyết tâm sẽ tham gia Rinjani cự ly 100km năm 2019. Điều kiện tham gia là hoàn thành một giải chạy địa hình (trail running) 70km, vậy nên tôi đăng ký luôn Vietnam Mountain Marathon  (VMM) 70km năm 2018. Lúc đó mới chỉ hơn 1 năm kể từ giải chạy đầu tiên của tôi, Vietnam Jungles marathon (VJM) 25km năm 2017, và tôi cũng mới chỉ tham gia được thêm 1 giải khác là VJM 42km năm 2018. Có câu ngựa non háu đá thật đúng không sai chút nào để nói về sự hào hứng của tôi khi đó. Nhưng năm 2019 xảy ra động đất ở Lombok, nên giải Rinjani100 bị hủy. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy đó là may mắn của tôi. Lúc đó tôi chưa đủ tích lũy thể lực, sức bền để có thể hoàn thành Rinjani 100km, và sẽ đối mặt rủi ro rất cao do thiếu kinh nghiệm. Hoặc nếu tôi có may mắn hoàn thành thì chắc chắn sẽ phải trải qua rất nhiều đau đớn và khó khăn.

 

Rồi thì Covid ập tới, Rinjani100 chỉ trở lại trong năm 2022 và thử thách được nâng lên gấp bội 162km, độ cao tích lũy trên 13000m. Thời điểm đó tôi vẫn chưa tham gia một giải 160km nào. Theo thời gian, tôi tham gia nhiều giải trail hơn và nhận thức của tôi về mức độ khó khăn của Rinjani  ngày một rõ nét. Lý trí lúc này không bị chi phối bởi cảm xúc háo hức thử thách ban đầu nữa. Nên tôi không không tham gia.

 

Cùng trong năm 2022, tôi may mắn có cơ hội tham gia một giải khác ở Indonesia, Mantra Summits Challenge 116km, độ cao tích lũy +/- 8000m, leo 2 đỉnh núi lửa Welirang (cao 3,156 m) và Arjuno (cao 3339m). Tôi đã hoàn thành sau ~ 25 giờ. Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi với những đỉnh núi lửa. Một kỷ niệm không thể nào quên. Trải nghiệm đó giúp tôi nhận thức rõ hơn mức độ khó khăn của Rinjani với độ cao lớn hơn, leo núi nhiều hơn và quãng đường dài hơn. Tiếp sau đó là  VMM 100miles (hoàn thành) và Doi Inthanon (Thái Lan) 100 miles (không hoàn thành – DNF). Ba giải chạy +24 giờ liên tiếp trong năm giúp tôi nhận ra nhiều điểm yếu của mình. Trong đêm tối, khi một mình đối diện câu hỏi “Tại sao?”, tôi đã thấy bản thân bối rối, đôi khi muốn từ bỏ và có lần đã từ bỏ.  Sau các đua dài như vậy,  cả khi hoàn thành lẫn không hoàn thành, tôi đều cảm thấy vô cùng trống rỗng, tâm trí đờ đẫn mất cả tuần.

 

Trong năm 2023 tôi không tham gia bất cứ giải 100miles nào. Tôi vẫn đang tìm kiếm lý do của mình để có thể có một sức mạnh ý chí lớn mỗi lúc khó khăn.

 

Giữa năm 2024, sau khi nỗ lực tập luyện rất nhiều cho giải vô địch Đông Nam Á (APTRC – Philippines) và Asia Trails Master Final (Malaysia), nhưng phong độ của bản thân rất tệ. Tôi còn bị đau ở cả hai gót chân (hình thành gai gót chân do viêm lâu ngày tại điểm bám gân Achilles vào xương gót chân). Quá trình điều trị tôi phải hạn chế tập chạy trail và chỉ chủ yếu chạy đường bằng (road). Đây là quãng thời gian tôi muốn thử sức chạy road marathon (FM), giải đấu lần đầu diễn ra ở Hải Phòng. Đồng thời tôi cũng đăng ký tham gia Laan Ultra Trail 100miles tháng 11/2024. Sau loạt giải đấu vì mục tiêu cạnh tranh, tôi muốn được khám phá những cung đường và địa danh mới mẻ. Qua thời gian, tôi thấy tâm trí mình ngày càng hòa đồng với thiên nhiên hơn, sẵn sàng chấp nhận những cung đường khó khăn. Tôi nhận ra cách tốt nhất để vượt qua những thời điểm khó khăn là bình thản đối diện, và cứ tiếp tục tiến về phía trước. Tôi cảm nhận bản thân đã sẵn sàng để hướng tới Rinjani100. Vì vậy, tôi muốn một cuộc đua 24h+ để kiểm chứng lại điều đó. Tôi hoàn thành Laan 100miles với trạng thái tinh thần từ đầu đến cuối đa phần đều rất tốt, dù hầu hết thời gian tôi chỉ có một mình giữa rừng núi bao la, không một bóng người. Tôi đã mắc chút sai lầm nhỏ về bổ sung năng lượng (khi ăn quá ít đồ cứng vào nửa đầu cuộc đua, nên dẫn tới thiếu hụt năng lượng ở nửa sau) còn lại đều rất hoàn hảo. Tôi đã sẵn sàng cho Rinjani 2025!

 

Quá trình trị liệu đau gót chân và tập luyện cho cuộc đua FM thật không ngờ mang lại thay đổi rất tích cực về tốc độ và sức bền của tôi. Kết quả là tôi đã hoàn thành FM đầu tiên trong 2 giờ 43 phút. Liên tiếp sau đó là hai cuộc đua có tính cạnh tranh rất cao là VTM 70km  (Mộc Châu) và VUM 70km (Mai Châu) đầu năm 2025, tôi đã về đích thứ 1 và 3 với thời gian hoàn thành rất tốt so với chính bản thân tôi tại hai cuộc đụa này năm 2024. Mặc dù để chuẩn bị 2 cuộc đua này, tôi đã giảm cả cường độ và thời gian tập luyện so với khi chuẩn bị cho APTRC và ATM final. Kết thúc giai đoạn tập luyện và thi đấu với các cuộc đua tốc độ cao, tôi chuyển sang giai đoạn tập luyện cường độ thấp cho cuộc đua 24h+. 

 

Cúc Phương Jungle Paths 100km tháng 4/2025 là bài kiểm tra tinh thần cuối cùng trước khi mua vé máy bay đi Indonesia. CPJP 100km năm 2023 tôi đã về nhất, nhưng tinh thần lúc đó thật sự chán nản với địa hình rừng rậm. Lần trở lại này, thì mọi thứ đều hoàn hảo, đặc biệt là tinh thần. Tôi không nghe nhạc hay bất kỳ thứ gì để giải trí khi đi một mình hầu hết cả quãng đường. Nhưng tâm trí tôi vẫn rất thoải mái để trải nghiệm quãng đường. Mọi thứ đã sẵn sàng, tôi mua vé máy bay và tiếp tục những tuần tập luyện cuối cùng. Trong tháng 4, tôi tăng thời gian và quãng đường tập luyện. Tôi chủ yếu tập luyện đi bộ leo dốc kết hợp ăn uống, đeo vest nặng, sử dụng gậy tương tự như khi đua. Thời gian cuộc đua sẽ là 40h+ nên năng lượng chủ yếu sẽ từ các đồ ăn cứng. Ví dụ  thỉnh thoảng tôi ăn cơm trước khi bắt đầu tập đi bộ leo dốc. Ngày trước thì điều này sẽ rất khó chịu, nhưng tôi đã tập luyện từng chút, từng chút để cơ thể thích nghi. Bây giờ đó không phải vấn đề khó khăn nữa. Tôi không bị đau dạ dày mà thậm chí bụng dạ bây giờ còn tốt hơn so với ngày chưa chạy bộ.

 

Tháng 4, tôi tập luyện tổng cộng 75 giờ, quãng đường 571km, leo 21,800m (bao gồm cả cuộc đua CPJP). Tuần tập luyện với thời gian nhiều nhất là từ 21-27/04 với thời gian 20h10, quãng đường 157km, leo +/-6000m. Thông số đó còn ít hơn nhiều với những tuần tập trên 20h để chuẩn bị cho 3 cuộc đua 24h+ năm 2022. Nhưng có một khác biệt là bây giờ tôi đã tích lũy được nhiều hơn so với thời điểm 2022. Có anh bạn hỏi tôi tập Rinjani chưa? Tôi trả lời rằng tôi đã tập từ 2018. Qua thời gian, tôi càng thấm thía vai trò của sự tích lũy. Cơ thể cần thời gian để thích nghi. Ngày trước khi tập chạy trail B2B (hai ngày chạy dài liên tiếp) thì ngày thứ 2 rất mệt mỏi, giờ thì dễ dàng hơn nhiều. Hoặc ngày trước sau khi tập mệt về ăn uống không thấy ngon miệng, giờ thì ăn lúc nào cũng thấy ngon. Có chuyện vui như này, sau khi vừa về đích APTRC 2024, tôi ngồi chén luôn đĩa cơm gà to tướng trong sự ngỡ ngàng của bạn bè.

 

Như đã nói ở trên tôi phải trị liệu đau gót chân từ nửa cuối năm 2024. Đến tận bây giờ tôi vẫn duy trì liên tục việc giải cơ, đồng thời không bỏ qua khởi động tại chỗ, giãn cơ, tập bổ trợ nữa. Tôi đã sai lầm khi cho rằng chỉ chạy nhẹ là đủ cho khởi động. Nhưng đó chính là một trong số nguyên nhân dẫn đến chấn thương nhiều hơn và cơ bắp nhanh mỏi hơn. Quá trình này thực sự đã giúp tôi chạy nhanh hơn, và bền bỉ hơn.

 

Kết thúc tập luyện, tôi lên đường đi Rinjani. Tôi xác định đây không phải một cuộc đua, mà là một cuộc phiêu lưu và khám phá. Bởi Rinjani là quá đẹp và quá khó để mạo hiểm đua tranh. Ngồi trước hiên nhà homestay ngắm nhìn đỉnh núi Rinjani sừng sững sau cơn mưa, tôi thấy tâm trạng hoàn toàn bình thản, không hồi hộp, không lo lắng, không phấn khích. Trong đêm tối vẫn le lói ánh đèn của mọi người đi leo núi. 

 

Chúng tôi sẽ xuất phát từ bãi biển Belanting, leo lên xuống vài đỉnh núi trước khi leo lên đỉnh Rinjani cao 3726m. Sau đó đi xuống hồ nước núi lửa ở độ cao ~2000m rồi đi xuống làng Senaru ở độ cao ~600m. Từ Senaru chạy tiếp sang làng Torean cũng ở độ cao ~600m. Từ Torean lại leo ngược lên hồ núi lửa và leo tiếp tới miệng núi ở độ cao ~2600m. Tiếp theo sẽ chạy xuống núi, và leo lên xuống 2 đỉnh núi còn lại độ cao ~ 1800m và ~1500m trước khi về đích ở làng Sembalun ở độ cao ~1200m. Toàn bộ quãng đường là một trải nghiệm vượt xa bất kỳ cuộc đua nào trước đây của tôi. 

 

Còn tiếp…

_Nguyễn Sĩ Hiểu_